OPPO là một thương hiệu được cho là một tân binh trên thị trường điện thoại di động, tuy nhiên những gì OPPO đã làm được khiến nhiều đàn anh đi trước phải quan tâm. Năm 2017 là năm OPPO giành được nhiều sự thành công, nó giúp OPPO có được thị phần lớn tại nhiều quốc gia, điều mà rất nhiều hãng smartphone khác mong muốn có được. Ngay cả ở Việt Nam thì thị phần của OPPO chỉ đứng sau ông lớn Samsung. Cùng tìm hiểu chiến lược marketing của OPPO để biết được OPPO có được thành công lớn đến vậy nhờ vào bí quyết gì nhé.
Mục Lục
Giới thiệu tổng quan về OPPO
OPPO có tên đầy đủ là OPPO Electronics Corp, đây là tên một doanh nghiệp chuyên sản xuất đồ điện tử được sáng lập bởi Tony Chen đến từ Trung Quốc có trụ sở ở Quảng Đông. Dù cho OPPO được sáng lập năm 2004 nhưng đến năm 2008 thì OPPO mới tham gia vào cuộc chiến trong ngành sản xuất điện thoại di động. Năm 2013, OPPO lần đầu thâm nhập vào thị trường Việt Nam với mục tiêu trở thành số 1 tại thị trường Trung Quốc và Đông Nam Á. Tham vọng của OPPO đặt ra là sẽ vượt qua Samsung và Apple để vươn xa ra thế giới.
Ngay từ khi bắt đầu tham gia vào thị trường điện thoại di động thì OPPO không ngừng cải tiến sản phẩm bằng những công nghệ mới nhất. Nâng cao trải nghiệm người dùng và thân thiện với người dùng là điều OPPO luôn đặt lên hàng đầu. Hiện nay, thương hiệu OPPO đã được đăng ký tại hơn 140 quốc gia trên toàn thế giới.
– Thành lập: Năm 2004
– Trụ sở: Đông Hoản, Quảng Đông, Trung Quốc
– Người sáng lập: Tony Chen
– Ngành: Consumer electronics
– Sản phẩm: Hi-fi, home theater, Audio-Visual, smartphones
– Trang web: https://global.oppo.com/
Giới thiệu tổng quan về OPPO (Ảnh: Internet)
>>> Xem thêm: INC là gì? JSC là gì? Những điều tưởng quen mà lạ của INC và JSC
Chiến lược Marketing của OPPO – Chiến lược marketing mix hoàn hảo
Chiến lược sản phẩm của OPPO – Product
Hiện nay, OPPO là thương hiệu dẫn đầu tại Trung Quốc trong việc xây dựng danh tiếng thương hiệu bằng các sản phẩm có chất lượng cao. Khách hàng mục tiêu của các sản phẩm điện thoại di động của OPPO là khách hàng trẻ, chủ yếu là nữ. Các sản phẩm của OPPO thường có đường nét mỏng và những chi tiết phù hợp với phái đẹp. Đặc biệt hơn, OPPO đã tập trung để nâng cao chất lượng camera để phục vụ chính cho việc selfie, chụp ảnh của giới trẻ. OPPO đã tạo ra sự khác biệt giữa sản phẩm của họ với đối thủ bằng cách tự tin khẳng định sản phẩm của họ là chuyên gia selfie – selfie expert.
Ban đầu khi OPPO mới thâm nhập vào thị trường Việt Nam thì OPPO hoàn toàn không thể cạnh tranh với các ông lớn thời bấy giờ là Samsung, LG. Tuy nhiên, chiến lược marketing của OPPO đã định vị sản phẩm của họ là camera phone. Định vị này đã giúp OPPO nhắm trúng vào tâm lý của khách hàng mục tiêu của họ (Giới trẻ từ 16 – 22 tuổi). Sau này, thói quen selfie – tự sướng bằng điện thoại đã giúp OPPO có được lợi thế cạnh tranh vô cùng lớn. 3 điểm mạnh của OPPO trên thị trường hiện nay là rẻ, đẹp, thời trang.
Chiến lược 4P của OPPO khẳng định sản phẩm của mình là sản phẩm có chất lượng Selfie tốt nhất (Ảnh: Internet)
Một số sản phẩm mũi nhọn của OPPO đã một thời làm mưa làm gió ở Việt Nam có thể kể tới như OPPO F1 Plus, OPPO F1s, OPPO A37, OPPO A39,… Sản phẩm của OPPO có thiết kế đẹp với nhiều ưu điểm đã giúp OPPO có được sự ủng hộ của đông đảo bạn trẻ. Các sản phẩm của OPPO có thiết kế hiện đại với những điểm nhấn vô cùng cá tính, hơn nữa, các sản phẩm của OPPO đều có cấu hình cao, dễ dàng sử dụng.
Dịch vụ hỗ trợ sản phẩm của OPPO cũng được thực hiện vô cùng tốt. Ngay trên Website chính thức của OPPO thì hãng cũng khẳng định khách hàng chính là cốt lõi kinh doanh của họ. Chính vì thế, làm hài lòng khách hàng cũng chính là cách khiến hãng có được chỗ đứng như ngày hôm nay.
Chiếc OPPO N1 là một trong những chiếc smartphone có thiết kế vô cùng độc đáo khi mới ra mắt. Sản phẩm được trang bị camera xoay khiến bao người ao ước sở hữu. Mẫu OPPO R5 siêu mỏng chỉ 4,85mm kèm tính năng sạc nhanh VOOC. Đối với phân khúc cao cấp thời đó thì OPPO cũng cho ra mắt sản phẩm flagship Find 5 và Find 7 với cấu hình rất mạnh thời đó.
OPPO thâm nhập thị trường Việt Nam bằng các sản phẩm độc đáo, phù hợp với mọi nhu cầu của người sử dụng (Ảnh: Internet)
>>> Có thể bạn quan tâm: Chiến lược marketing của Samsung, chiến lược khẳng định vị thế đỉnh cao
Chiến lược giá của OPPO – Price
OPPO đã sử dụng chiến lược định giá sản phẩm thấp để có thể từ từ chiếm thị phần. Các sản phẩm của OPPO luôn có mức giá thấp hơn khoảng 20% so với các sản phẩm cùng loại nhằm tạo tâm lý hấp dẫn khách hàng. Khách hàng có thể sở hữu một chiếc điện thoại cùng kiểu dáng, cùng tính năng nhưng chỉ cần bỏ ra mức giá thấp hơn 20% so với sản phẩm khác thì không có lý do gì họ lại từ chối. Tuy các sản phẩm của OPPO có mức giá rẻ nhưng các sản phẩm này vẫn được giới chuyên gia đánh giá vô cùng cao.
Có rất nhiều người quan ngại rằng nếu OPPO sử dụng chiến lược giá thấp sẽ khiến khách hàng tạo ra tâm lý là sản phẩm Trung Quốc rẻ sẽ kém chất lượng. Tuy nhiên, OPPO đã giải quyết vấn đề đó bằng cách xây dựng thương hiệu của mình nhằm tạo thiện cảm với công chúng. Hơn nữa, chiến lược định giá lẻ cũng là thứ OPPO tận dụng triệt để, ví dụ sản phẩm của họ sẽ để mức giá 4.490.000, 5.490.000, 3.990.000,… điều này khiến khách hàng cảm thấy rẻ và mua ngay.
Chiến lược kinh doanh của OPPO đã khéo léo lựa chọn giá lẻ và nó đã vô cùng thành công ở thị trường Việt Nam (Ảnh: Internet)
Chiến lược phân phối của OPPO – Place
Ngay từ khi mới xuất hiện thì OPPO luôn muốn chứng tỏ mình là một thương hiệu toàn cầu. Hãng đã thâm nhập vào nhiều quốc gia trên thế giới. Ngoài trụ sở chính tại Quảng Đông, Oppo còn có các trụ sở ở nhiều nơi khác nhau để có thể bán hàng và nghiên cứu sở thích người dùng để có thể phù hợp với lối sống và văn hóa của các quốc gia đó như OPPO Philippines, OPPO Myanmar, OPPO Bangladesh, OPPO Pakistan, OPPO Sri Lanka, OPPO India, OPPO Thailand, OPPO Vietnam, OPPO Malaysia và OPPO Trung Quốc.
Ở Việt Nam, OPPO sử dụng nhiều kênh cấp 1 để có được mức giá bán ra rẻ nhất cho người dùng. Ngoài ra OPPO còn có mạng lưới phân phối toàn quốc gần với những nơi tập trung nhiều khách hàng mục tiêu. Và những địa điểm được OPPO lựa chọn là các trung tâm thương mại, rạp chiếu phim, các trường cao đẳng, đại học,…
Chiến lược phân phối của oppo đã thực hiện bằng cách phủ sóng cửa hàng tại khắp các tỉnh thành trên cả nước (Ảnh: Internet)
Chiến lược truyền thông của OPPO – Promotion
Chiến lược marketing mix của OPPO vô cùng nhạy bén nên họ đã kết hợp các phương thức marketing và cnhieeuf kênh khác nhau để có thể xây dựng thương hiệu.
Chiến lược sử dụng KOLs
Một trong những chiến lược marketing mix của Oppo mang lại hiệu quả cao nhất chính là việc họ đã sử dụng những đại sứ thương hiệu. OPPO đã sử dụng nhiều đại sứ thương hiệu để có thể đánh vào các phân khúc khách hàng của mình.
Ở Châu Á, OPPO đã từng sử dụng G-Dragon, Dương Mịch, Lee Min Ho, Sơn Tùng MTP, Hồ Ngọc Hà, Tóc Tiên, Chi Pu, Noo Phước Thịnh,… Tất cả đều đã trở thành đại sứ thương hiệu của oppo ở nhiều quốc gia trên thế giới.
Khi OPPO ra mắt chiếc OPPO F1s trong phân khúc giá khoảng 6 triệu và đây cũng là phân khúc chủ đạo của mình, họ đã lựa chọn Sơn Tùng MTP vì Sơn Tùng là thần tượng của rất nhiều bạn trẻ.
Chiến lược marketing của OPPO đã chọn nhiều đại sứ thương hiệu khác nhau (Ảnh: Internet)
Hồ Ngọc Hà cũng được lựa chọn làm đại sứ thương hiệu cho chiếc OPPO F1 Plus, chiếc điện thoại trong phân khúc khoảng 10 triệu đồng. Ở Việt Nam, Hồ Ngọc Hà luôn gắn liền với sự đẳng cấp, sang trọng nên OPPO đã khéo léo lựa chọn cô.
Hồ Ngọc Hà được lựa chọn làm đại sứ thương hiệu cho phân khúc đắt tiền (Ảnh: Internet)
Còn ở phân khúc giá khoảng 4 triệu thì Chi Pu đã được lựa chọn làm đại sứ thương hiệu cho sản phẩm OPPO A39. Sản phẩm này phù hợp với lứa tuổi teen, là lứa tuổi của các fan của cô nàng.
Có thể thấy được OPPO đã cố ý chia các dòng sản phẩm của mình thành các phân khúc khác nhau để có thể tiếp cận vào từng tập khách hàng. Tuy nhiên, mỗi nhóm khách hàng khác nhau hãng sẽ phải lựa chọn một đại sứ phù hợp với nhóm đó.
Tài trợ
OPPO cũng đã chạm mặt khách hàng của mình bằng cách tài trợ cho rất nhiều chương trình truyền hình có được nhiều sự quan tâm của giới trẻ. Một số chương trình có thể kể đến như “The Remix”, “Bố ơi mình đi đâu thế”, “Táo quân”,… Ngoài ra thì một bộ phim chiếu rạp nổi tiếng đó là “Chàng trai năm ấy” cũng được OPPO tài trợ. Hơn nữa, OPPO cũng xuất hiện trong nhiều live show, concert của các ca sĩ nổi tiếng như Mỹ Tâm, show Color Me Run,….
OPPO tài trợ chương trình thu hút giới trẻ Color Me Run (Ảnh: Internet)
Video Marketing
OPPO cũng đã sản xuất nhiều phim ngắn để chinh phục những khách hàng mục tiêu bằng cách nhắm vào tâm lý của họ. Phim ngắn “Âm Bản” là một trong số đó, bộ phim có sự góp mặt của Sơn Tùng, Kiều Trinh với nội dung nhẹ nhàng, dễ thương. Video thu về hơn 3 triệu lượt xem chỉ sau 1 đêm. Ngoài ra, quảng cáo “Làm cha cần cả đôi tay” cũng đã khiến cư dân mạng đón nhận và hưởng ứng.
>>> Xem thêm: Chiến lược marketing của Apple – Marketer rút ra bài học gì từ nó
Tạm kết
Có thể thấy, dù tham gia vào thị trường smartphone sau nhưng OPPO đã nỗ lực không ngừng để có được vị thế như ngày hôm nay. Những bước đi thông minh, cẩn trọng nhiều tính toán đều có trong mỗi chiến lược marketing của Oppo. Với thị trường cạnh tranh đầy khốc liệt như hiện nay thì liệu OPPO sẽ làm gì để chiến đấu với các ông lớn như Samsung, OPPO, Xiaomi, Huawei,…. Cùng chờ đón những động thái mới nhất từ OPPO các bạn nhé.
Jasmine Vu – duavang.net